Địa lý Lạc Việt

Kiến thức phong thủy

Tết Đoan ngọ của người Việt KHÔNG bắt nguồn từ Trung Quốc

Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ (diễn ra vào ngày mùng 5/5 Âm Lịch) còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã hơn đó là ngày Tết diệt sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hoá phong phú. Không riêng gì Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hà Quốc cũng có Tết Đoan ngọ. Từ đó cho thấy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông và gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Tết đoan ngọ có nguồn gốc Việt

Trong ca dao Việt Nam cũng có câu:

“Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm”

Vấn đề được đặt ra ở đây là Tết Đoan ngọ của người Việt có liên quan gì đến Tết Đoan ngọ của người Trung Quốc và gắn với truyền thuyết Khuất Nguyên như lâu nay từng quan niệm?

Tết Đoan ngọ còn được người Việt gọi bằng cái tên khác là “Tết Nửa Năm” (cũng có nơi là gọi là Giữa Năm). Đây được xem là tên gọi của riêng người Việt, không lẫn với tên gọi của các quốc gia khác.

Vậy tại sao lại gọi là Tết Nửa năm, trong khi theo tính toán như lịch âm hiện nay thì “nửa năm” ở đây phải rơi vào tháng 6 âm lịch?

  • Về tên gọi Tết Nửa năm, tác giả Nguyễn Ngọc Thơ trong “Lại bàn về nguồn gốc tết Đoan ngọ” giải thích: “Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm”.
  • Về nguồn gốc của Tết Đoan ngọ, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm khẳng định: "Tết Đoan ngọ Việt Nam có cùng một khởi nguồn với vùng đất Bách Việt ở Nam Trung Hoa (vào khoảng vùng hạ lưu Dương Tử trở xuống) và Bắc Đông Dương". Tác giả luận giải: Từ ngàn xưa đây vốn là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gầy dựng nên. Do nằm dọc hai bên chí tuyến bắc, mùa hè ở đây oi bức, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. May mắn, người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại, nhờ vậy phong tục tết Đoan ngọ hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng của chu kỳ tuần hoàn thời tiết (Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP HCM, 2004).
  • Trong cuốn “Lễ tết Trung Hoa” của W. Eberhard (Chinese Festivals, N.Y. 1952) viết: “Đoan ngọ là tết của phương Nam, tết cầu may, tết của sự sống” (Double fifth is a Southern festival, lucky festival or festival of the living).

Như vậy, có thể thấy, Tết Đoan ngọ xưa là do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo, cùng hưởng thành quả và không ai làm tác giả cụ thể. Nó là thành quả từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp phương Nam của các bộ tộc Bách Việt. Về sau, cùng với việc xâm lấn và mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam sông Dương Tử, Tết Đoan Ngọ được người Hán tiếp nhận và hưởng ứng.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khác nhau lại gắn vào nhiều điển tích khác nhau với các nhân vật như Ngũ Tử Tư, Việt vương Câu Tiễn, Khuất Nguyên đến Tào Nga, Trần Lâm,…

Nguồn gốc tết Đoan Ngọ của người Việt

“So với người Trung Quốc, người Việt Nam thiên hẳn về lối sống dân gian, tư duy tổng hợp – trừu tượng và truyền thống văn hóa truyền miệng đã giúp gìn giữ phong tục ngày tết này mà không cần thiết gắn liền với các nhân vật lịch sử. Ngược lại, Trung Quốc dân số đông, dân tộc đa dạng, việc chính thức hóa một phong tục dân gian bằng thao tác gắn chúng với các nhân vật lịch sử có chức năng tích cực, nhất là trong chức năng đại đoàn kết dân tộc” (trích An Nam phong tục sách, Mai Viên Đoàn Triển, NXB Hà Nội, 2008).

Nhưng trong văn hoá Việt thì ngày mùng 5 tháng 5 lại là ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ.

Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:

“Tháng Năm ngày tết Đoan Dương.
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”

Ngày giỗ Quốc Mẫu mùng 5 tháng 5

Như vậy, đây là một ngày tết có nguồn gốc từ văn hoá Việt. Nhưng tại sao ngày mùng 5 tháng 5 lại là ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ? Điều này có liên hệ gì với ngày 10 tháng 3 lại là ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương của giống nòi Lạc Việt?

Là những người nghiên cứu nguyên lý học thuật cổ Đông Phương chắc chúng ta đều biết đến đồ hình Hà Đồ. Có lẽ ai cũng biết rằng trung tâm Hà Đồ là ngôi Hoàng Cực biểu tượng của sự thống trị tối cao; tức quyền uy của nhà vua. Trung tâm Hà Đồ có độ số 5 thuộc Dương và 10 thuộc Âm. Phần trung tâm Hà Đồ được miêu tả như sau:

Mối liên hệ Hà Đồ và Tết Đoan Ngọ người Việt

Chúng ta cũng biết rằng: Trong nguyên lý Âm Dương thì Dương có trước và Âm có sau. Dương là giá trị trừu tượng, Âm là giá trị hiện hữu. Như vậy, tháng có trước thuộc Dương và ngày có sau thuộc Âm (Ngày là con của tháng).

  • Ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương (Giỗ Cha) được chọn là ngày 10 tháng 3 bởi vì Tháng 3 là tháng Thìn /Rồng, biểu tượng của Vương quyền chính là tháng thứ 5 kể từ tháng Tý. Đó chính là biểu tượng của 5 vòng tròn trắng ở trung tâm Hà Đồ thuộc Dương (Tháng có trước thuộc Dương).
  • Ngày là con của tháng thuộc Âm, nên chọn ngày mùng 10. Đó đó chính là biểu tượng của 10 vòng tròn đen thuộc Âm trên Hà đồ.

Ngày mùng 5 tháng 5 chính là biểu tượng của hai dãy, mỗi dãy 5 vòng tròn đen ở trung tâm Hà Đồ. Ngày cực Âm, tháng cực Âm nên thuận theo tự nhiên, dân chúng ăn đồ nguội (nguội thuộc Âm, nóng thuộc Dương).

Chúng ta cũng lưu ý rằng: Ngày mùng 5 tháng 5 là ngày rất gần tiết Hạ Chí (tức là ngày nóng nhất trong năm theo thực tế thời tiết). Hay nói theo thuyết Âm Dương Ngũ hành là ngày cực Dương thuộc Hoả khí (Trong Hậu Thiên Lạc Việt, Ly Hoả thay thế vị trí Càn trong Tiên Thiên). Bởi vậy, lấy số ngày và tháng cực Âm về biểu tượng là mùng 5 tháng 5 (Cân bằng Âm Dương). Vì là ngày cực Âm nên biểu tượng bằng ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ. (Cha thuộc Dương /Mẹ thuộc Âm).

Như vậy, nền văn hiến Lạc Việt qua ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương và Quốc Mẫu Âu Cơ, đã giải thích nguyên uỷ hai ngày này bằng chính nền tảng của nguyên lý học thuật cổ Đông phương, chứ không phải bằng những truyền thuyết mơ hồ. Đây là một yếu tố sắc sảo nữa chứng minh rằng: Nguồn gốc của văn minh Đông phương thuộc về nền văn minh Lạc Việt một thời huy hoàng, kỳ vĩ từ hàng ngàn năm trước ở miền nam sông Dương Tử. Nền văn minh này đã sụp đổ từ thế kỷ thứ III trước CN, nhưng dấu ấn của nó vẫn còn lưu giữ trong những giá trị văn hóa truyền thống ở nhiều quốc gia liên quan đến nền văn minh này.( trích Tìm về Cội Nguồn Kinh Dịch của tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh),

Bởi vậy, không thể quan niệm Tết Đoan ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng.

Bài viết khác